Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực ngay những tháng đầu năm 2024.
Xuất siêu 2,4 tỷ USD trong 2 tháng
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ 2023; giá trị nhập khẩu đạt 355 triệu USD, tăng 31%; cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu ước đạt trên 2,4 tỷ USD.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Đỗ Xuân Lập phân tích, trong 2 tháng qua, 5 mặt hàng xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam là: đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán và viên nén.
Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2023. Xuất khẩu gỗ sẽ khởi sắc trong năm 2024. Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU vẫn là những thị trường tiềm năng, ổn định về xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraina, Israel – Hamas và vấn đề tại Biển Đỏ đang trực tiếp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm leo thang chi phí vận chuyển, giao hàng.
Các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia Châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), có hiệu lực từ tháng 10/2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, Viforest đã hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất giảm phát thải thông qua hoạt động tư vấn cho 6 doanh nghiệp đầu ngành của ngành gỗ về vấn đề giảm phát thải, từ đó lan tỏa ra toàn ngành, hướng tới sản xuất giảm phát thải và coi đây là tiêu chuẩn.
Chú trọng phát triển thị trường bền vững
Để cụ thể hóa doanh số xuất khẩu, ngành gỗ đang tập trung vào nhiều vấn đề trọng tâm trong đó đẩy mạnh thị trường theo hướng phát triển bền vững. Bởi nếu không xây dựng tốt thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số xuất khẩu gỗ trong năm năm 2024.
Theo đó trong Quý I/2024, Hiệp hội đã phối hợp tổ chức thành công một loạt sự kiện hội chợ ngành gỗ vào tháng 3, gồm: Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ & Nội thất (Hawa Expo) 2024 tại TP Hồ Chí Minh và Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn (Q-FAIR) 2024. Đây cũng là hội chợ đầu tiên và lớn nhất của ngành gỗ về các hàng ngoài trời, là nơi giao thương và tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với khách hàng quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành gỗ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao tham gia vào nhiều chương trình giao ban ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao để mở hội chợ cho những doanh nghiệp mở các văn phòng, kho hàng tại các công ty, trung tâm mua hàng lớn, đặc biệt là tại thị trường Châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội vững chắc nhất để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Mặt khác, Viforest cũng hỗ trợ các doanh nghiệp gắn sản xuất giảm phát thải gắn liền với chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đặc biệt là đổi mới trang thiết bị để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Lập cho hay, ngành gỗ đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT phát triển các khu cung ứng, đẩy mạnh vấn đề sản xuất trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng cây gỗ lớn đảm bảo nguồn cung nguyên liệu về gỗ rừng trồng cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần giảm thiểu nhập khẩu gỗ rừng tự nhiên.
Hiện nay mỗi năm bình quân Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1 – 1,3 triệu m3 gỗ rừng tự nhiên ở các khu vực có rủi ro cao như Campuchia, Châu Phi. Do đó, cần giảm lượng nhập khẩu này và đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước.
Gỗ Việt (Nguồn Kinhtedothi.vn)