Ngành gỗ họp bàn tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu năm 2024
Chiều 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị “Giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn 2024 (Q-Fair 2024).
Xuất khẩu dù đã có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn còn rất nhiều nút thắt
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 355 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2023. Xuất siêu 2 tháng đầu năm ước đạt 2,465 tỷ USD.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện ngành gỗ đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, các tác động từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và Israel – Hamas, sự bất ổn trên Biển Đỏ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát thế giới có dấu hiệu suy giảm chậm, người tiêu dùng tiếp tục thực hiện thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ. Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại tiếp tục diễn ra phức tạp.
Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho biết, tại thị trường Hoa Kỳ, các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ hơn; Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp…; tác động của khí nhà kính nhằm bổ sung cho chính sách thương mại nằm trong Dự luật do các nghị sỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với hoạt động sản xuất một số hàng hóa nhất định bên trong và bên ngoài nước Mỹ.
Với thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng của EU (còn gọi là EUDR) của Liên minh châu Âu, tháng 12/2024 tới có hiệu lực. Với quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa thích quy định cụ thể. Thị trường Ấn Độ áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nhà máy mới, tiêu chuẩn BIS, áp dụng vào đầu năm 2024. Gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.
Thị trường Canada, tỷ giá thấp so với USD, khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh và lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ dần mất. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao.
Do đó, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan của Chính phủ cập nhật thông tin và có những hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp ngành gỗ nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giảm được tác động tiêu cực tới các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp do các khó khăn nêu trên gây ra.
Được mệnh danh là một trong những “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước, thị trường tiêu thụ chính của các doanh nghiệp gỗ Bình Định gồm Hoa Kỳ, EU, Anh, Australia, Nhật Bản…. Một số nhóm hàng có giá trị kim ngạch lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn Bình Định và cả nước.
Trong chỉ số xuất khẩu của Bình Định, ngành gỗ chiếm hơn 60% và đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung, cũng như sản xuất công nghiệp của tỉnh. Dù vậy, để phát triển bền vững và nâng cao giá trị thì hiện nay còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay: “Hiện nay, giá thành sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ còn khá cao; bên cạnh đó là những rủi ro trong việc cấp chứng chỉ rừng cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ. Vì vậy, cần phải có giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, việc trồng rừng gỗ lớn phải có chính sách hỗ trợ người dân, đồng thời phải có chính sách ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp làm liên kết phát triển vùng gỗ lớn”.
Một vấn đề nữa đó là phát triển thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp, cần tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, cũng như đưa ra những tham mưu về thị trường. Về phía doanh nghiệp, cần tập trung nâng cao chất lượng, đầu tư máy móc thiết bị, đáp ứng yêu cầu bền vững, có như vậy hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường mới được khách hàng đón nhận.“Muốn ra biển lớn, phải liên kết, xây dựng thương hiệu mạnh từ đó mới tạo được lợi thế khi xuất khẩu”, ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ.
Để thu được giá trị cao nhất thì cần tích hợp đa giá trị
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị – cho biết, qua các báo cáo, ý kiến của các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp chúng ta cùng nhận diện các khó khăn, thách thức từ vấn đề logistics. Bên cạnh đó, vấn đề cạnh tranh thương mại đang diễn ra khốc liệt. Mặt khác, hiện nay nhiều nước nhập khẩu đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đưa ra quy định khắt khe.
“Hôm qua tôi có trao đổi với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và được chia sẻ thông tin, có những container hàng vận chuyển chi phí trước đây chỉ hơn 1.000 USD thì nay tăng hơn 6.800, thậm chí cao. Đây là những khó khăn. Và nếu là vấn đề về nguyên liệu đầu vào thì chúng ta cần bàn với nhau về phát triển nguồn cung trong nước. Nếu là đầu ra bên ngoài thì cần có giải pháp thích đáng, cụ thể”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.
Để giải quyết những khó khăn và tồn tại nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị các Hiệp hội ngành gỗ và doanh nghiệp phải thống nhất quan điểm đó là để nâng cao giá trị sản phẩm thì phải tích hợp đầy đủ giá trị của sản phẩm đó.
Hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa phải thực hiện đo đếm lượng phát thải khí các bon nhưng rất có thể trong tương lai không xa, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện. Làm sao để giảm phát thải nhiều nhất và mang lại giá trị cao nhất? Việc này, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với người trồng rừng, để có nguyên liệu chủ động và tích hợp đã giá trị. Cần sản xuất theo chuỗi, đây là hình thức để nâng cao giá trị. Đồng thời, các doanh nghiệp cần kịp thời thông tin về các quy định, chia sẻ kỹ năng để có thể tránh được các rủi ro.
“Đề nghị các doanh nghiệp chế biến đẩy mạnh liên kết với người trồng rừng, với các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn. Việc này không chỉ người trồng rừng được hưởng lợi mà các doanh nghiệp cũng có thể chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ, có nguồn gốc”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Đối với việc bán hàng, trong số hàng nghìn doanh nghiệp, có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp tại nước bạn mà chủ yếu xuất khẩu qua trung gian nên giá trị thu được chưa cao. Do đó, các hiệp hội, doanh nghiệp cần đứng lại với nhau để bàn câu chuyện này.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Cục, Vụ liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để cùng nhau giải quyết tốt bài toán về câu chuyện thị trường, về phòng vệ thương mại,….
Đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Kiểm Lâm, Cục Lâm nghiệp; Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với bên EU sửa đổi Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (Hiệp định VPA/FLEGT) sao cho phù hợp với điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, đề nghị sớm xây dựng kế hoạch đàm phán với Anh về Hiệp định đối tác tự nguyện để đưa sản phẩm sang thị trường này được tốt hơn; xây dựng kế hoạch thực hiện Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU; xây dựng thương hiệu gỗ Việt; triển khai Đề án cấp chứng chỉ rừng, trồng rừng gỗ lớn;…
Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu phấn đấu giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.
Gỗ Việt